Thiết kế tầng tum – giải pháp thiết kế mới cho nhà ở phố

Thiết kế tầng tum – giải pháp thiết kế mới cho nhà ở phố

25/03/2021 0 Hoàng Thị Hằng 1,181
Thời gian gần đây các mẫu nhà ở có tầng tum được yêu thích và nhận nhiều sự quan tâm từ người dùng. Với những mẫu nhà phố hiện nay, các kiến trúc sư ưu tiên thiết kế tầng tum.  Vậy tại sao loại hình này được sử dụng nhiều tới vậy? Vậy bạn có biết tầng tum là gì? Thiết kế có thêm tầng tum sẽ mang lại những lợi ích và công năng sử dụng gì cho ngôi nhà của bạn? Hãy cùng oet tìm hiểu qua về tầng tum nhé?

Tầng tum là gì?

Tầng tum là thuật ngữ để chỉ phần che chắn cầu thang (hay được gọi mái che thang); là phần nằm ở tầng trên cùng của ngôi nhà, có sân trước và sân sau. Có nhiều tên gọi khác nhau theo từng vùng miền như: người miền Bắc thì gọi là tum, miền Trung sẽ gọi là “chuồng cu”; miền nam hiểu tum là “Sân thượng” (nhà 1 trệt 1 lầu 1 tum đồng nghĩa với nhà 1 trệt 1 lầu sân thượng hoặc gọi là nhà 2 tầng rưỡi).

Tầng tum là một hạng mục của kiến trúc nhà ở; là tầng trên cùng của một ngôi nhà. Trước đây, tầng tum đơn giản chỉ là khu vực nhô lên phía trên nóc nhà mái bằng; có chức năng che chắn cầu thang dẫn lối lên sân thượng. Về sau, tầng tum được sử dụng với nhiều công năng hữu ích hơn; như làm kho chứa đồ, phòng kỹ thuật, phòng làm việc, phòng thờ, phòng ngủ nhỏ.

Thông thường, thiết kế tum sân thượng sẽ không xây hết diện tích mặt bằng; mà chỉ là một phần che chắn cầu thang lên sân thượng. Vậy tại sao gia chủ chỉ xây tum mà không xây hẳn thêm 1 tầng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong các phần tiếp theo.

Tầng tum có vai trò như thế nào trong kiến trúc nhà ở?

Đối với kiến trúc nhà ở nói chung và nhà ống, nhà phố nói riêng, tầng tum có nhiều ưu điểm vượt trội, đáp ứng cả về công năng, tính thẩm mỹ và cả yếu tố phong thủy.

Giúp tăng diện tích, không gian sử dụng cho nhà ở

Tầng tum giúp gia tăng diện tích sử dụng mà không tốn kém quá nhiều chi phí. Các mẫu nhà ống 2 tầng 1 tum, nhà phố 2 tầng 1 tum luôn mang đến cho gia chủ không gian sử dụng thoải mái, thoáng đẹp. Chủ nhà có thể sử dụng tầng tum để bố trí phòng thờ, phòng kho chứa đồ, phòng ngủ nhỏ, văn phòng tại gia…

Thiết kế tầng tum - giải pháp thiết kế mới cho nhà ở phố

Góp phần giải quyết vấn đề thông gió, đón sáng và chống nóng

Tại các thành phố, khu dân cư đông đúc, người dân khi làm nhà thường xây tầng tum ở mặt trước để đón sáng tự nhiên cho không gian bên trong. Tầng tum còn góp phần thông gió, đón nhận không khí tươi mới vào nhà. Gia chủ thường trồng cây xanh, làm giàn dây leo ở tầng trên cùng nên tầng tum cũng có tác dụng chống nóng, cách nhiệt cho tầng dưới, nhất là vào mùa hè.

Tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà

Thực tế cho thấy, tầng tum mang lại cảm giác nhà ống, nhà phố như cao ráo, thoáng đãng và đẹp mắt hơn. Công trình kiến trúc trông sang trọng, bề thế và độc đáo hơn với sự hiện diện của tầng tum.

Tạo không gian thư giãn thoáng đãng

Tầng tum thường nằm ở vị trí tầng thượng của ngôi nhà, do đó bạn có thể bài trí nơi đây thành không gian thư giãn, giải trí cho các thành viên gia đình dịp cuối tuần. Góc thưởng trà, hóng gió, đọc sách yên tĩnh trên tầng tum là ý tưởng đáng để tham khảo. Tầng tum sẽ mở ra khoảng không kết nối giữa không gian bên trong và bên ngoài nhà, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.

Mang lại phong thủy tốt

Nhiều gia chủ cho rằng tầng chẵn không tốt về mặt phong thủy nhà ở nên xây thêm tầng tum để tạo sự cân đối, hài hòa âm dương, ngũ hành. Vì vậy, các mẫu nhà 2 tầng 1 tum, nhà phố 2 tầng 1 tum hiện đại, nhà ống 1 tầng 1 tum đẹp… luôn được quan tâm, tìm kiếm. Một số gia chủ tránh làm nhà 4 tầng, chỉ thiết kế 3 tầng 1 tum để tránh số 4 vì họ quan niệm số 4 là “số tử”.

Tầng tum có được tính là 1 tầng hay không?

Khi thiết kế, xây dựng nhà ở, rất nhiều gia chủ thắc mắc tầng tum là gì, và nó có được tính là 1 tầng hay không, việc xây nó có ảnh hưởng tới chiều cao công trình, có gặp khó khăn khi xin phép xây dựng. Vậy thực hư như thế nào?

Quy định về chiều cao

Quy định về chiều cao, diện tích, thiết kế của tầng tum được nêu rõ trong Thông tư số 07/2019/TT-BXD của Bộ xây dựng. Số tầng của tòa nhà hoặc công trình bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng tum và tầng kỹ thuật), tầng bán hầm, không bao gồm tầng áp mái.

Công trình có tầng tum không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái, chiều cao không quá 3m.

Được biết, Thông tư số 07/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.

Quy định về diện tích

Diện tích tầng tum thường phụ thuộc vào mục đích, nhu cầu sử dụng của gia chủ. Với những ngôi nhà có diện tích sàn rộng rãi, gia chủ sẽ bố trí phòng thờ, phòng ngủ, phòng làm việc trên tầng tum. Trong khi đó, tầng tum ở những ngôi nhà nhỏ hẹp chỉ là phần che chắn cầu thang lên sân thượng, bảo vệ ngôi nhà khỏi nắng mưa nên diện tích tum không quá lớn.

Việc thiết kế tầng tum cần đảm bảo các quy định về xây dựng hiện hành như diện tích đất tính từ ranh lộ giới phải lùi vào 4m. Theo quy định xây dựng, phần đất trống này chỉ được làm sân thượng. Diện tích của mái tum được thiết kế dựa trên diện tích sàn còn lại phía trong.

Tùy nhu cầu, mục đích sử dụng của chủ nhà, phần tum thang sẽ được thiết kế hết phần diện tích sàn còn lại hoặc chừa sân thượng. Nếu muốn bố trí tiểu cảnh sân vườn trên tầng thượng hoặc dành không gian làm sân phơi thông thường thì diện tích tầng tum sẽ được điều chỉnh vừa vặn với kích thước ô cầu thang.

Thiết kế tầng tum - giải pháp thiết kế mới cho nhà ở phố

Phân biệt tầng tum với tầng áp mái

Thông tư số 07/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng quy định về tầng áp mái như sau:

“Tầng áp mái là tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5m.”

Vậy tầng áp mái có được coi là 1 tầng hay không, Thông tư số 07/2019/TT-BXD nêu rõ: “Số tầng của tòa nhà (hoặc công trình) bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng nửa/bán hầm, không bao gồm tầng áp mái.”

Như vậy, điểm khác nhau cơ bản nhất giữa tầng tum và tầng áp mái là vị trí tọa lạc và diện tích xây dựng. Nếu như tầng tum nằm ở trên cùng, bao che cầu thang dẫn lên sân thượng và thường không xây hết mặt sàn, thì tầng áp mái nằm trong không gian của mái dốc và được xây dựng trên toàn bộ mặt sàn.

Có nên thiết kế tầng tum cho nhà phố?

Như đã phân tích ở trên, tầng tum đối với nhà ở có nhiều tác dụng hữu ích. Việc có nên thiết kế tầng tum hay không là tùy vào nhu cầu và điều kiện cụ thể của mỗi gia chủ. Nếu bạn muốn xây thêm tầng, gia tăng diện tích sử dụng nhưng địa phương, khu vực bạn ở lại có quy định giới hạn về số tầng thì tầng tum là giải pháp lý tưởng.

Với tầng tum, bạn có thêm không gian sử dụng, ngôi nhà trở nên cao thoáng, hài hòa, đẹp mắt hơn mà lại không bị tính thêm 1 tầng, không vi phạm quy định xây dựng tại địa phương.

Mặt khác, chi phí xây dựng tầng tum cũng không tốn kém bằng việc xây dựng 1 tầng nhà hoàn chỉnh, giúp gia chủ tiết kiệm đáng kể ngân sách. Nếu tài chính hạn hẹp, bạn có thể chọn vật liệu lợp mái bằng tôn, nhựa trong thay vì đổ bằng mái bê tông.

Một số ý tưởng thiết kế tầng tum thành không gian hữu ích

Bạn hoàn toàn có thể thiết kế và bài trí tầng tum thành các không gian hữu ích khác nhau tùy diện tích, nhu cầu sử dụng cũng như khả năng tài chính. Dưới đây là những ý tưởng thiết kế tầng tum hay, hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.

Dùng tầng tum làm kho chứa đồ

Ý tưởng này được nhiều gia đình lựa chọn bởi tính tiện dụng mà nó mang lại. Với một kho chứa đồ trên tầng tum, bạn có thể thoải mái cất gọn đồ đạc, vật dụng ít khi dùng tới hoặc quần áo mùa khác chưa cần sử dụng. Không gian nhà vì thế sẽ gọn gàng, thoáng rộng hơn khi không còn những món đồ để cất trữ tạm bợ ở khắp mọi nơi.

Dùng tầng tum làm phòng thờ

Hiện nay, rất nhiều gia đình chọn sử dụng tầng tum làm không gian thờ tự; đặc biệt là trong trường hợp nhà không đủ rộng để bố trí thêm một phòng thờ riêng biệt; hoặc phòng khách chật hẹp, không thể bố trí góc thờ cúng.

Hơn nữa, phòng thờ trong gia đình cũng yêu cầu diện tích vừa phải; không cần quá rộng rãi. Tuy nhiên, cần đảm bảo tính tôn nghiêm, riêng tư, yên tĩnh cho không gian chức năng này. Và dĩ nhiên, tầng tum là lựa chọn hoàn hảo, đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó.

Dùng tầng tum làm phòng ngủ

Đây là ý tưởng khá thú vị, phù hợp với những ngôi phố; nhà ống có diện tích mặt sàn khiêm tốn. Bạn có thể bài trí tầng tum thành một phòng ngủ đơn nhỏ dành cho người lớn hoặc dành cho giúp việc, khách tới chơi ngủ lại.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính riêng tư cần thiết; nên làm thêm lắp thêm rèm che hoặc vách tường thạch cao cho phòng ngủ trên tầng tum. Lưu ý, không làm phòng ngủ cho trẻ nhỏ trên tầng tum vì trẻ hiếu động, đi lại nguy hiểm.

Bài trí tầng tum thành không gian thư giãn

Trong trường hợp không gian sinh hoạt chung không đủ rộng, không thoáng đãng khi tất cả các thành viên quây quần trò chuyện; bạn có thể cân nhắc thiết kế thêm phòng thư giãn trên tầng tum. Để biến ý tưởng này thành hiện thực không quá khó; gia chủ chỉ cần trồng thêm cây xanh, sắm bộ bàn ghế nhỏ xinh đặt ở sân thượng, lắp đèn trang trí, phụ kiện phù hợp…

Khoảng không gian thư giãn thoáng mát, ngập tràn sắc xanh trên tầng tum, sân thượng luôn là điểm cộng đắt giá đối với nhà phố hiện nay; đặc biệt là tại những khu dân cư đông đúc, quỹ đất ở hạn hẹp.

Thiết kế tầng tum nhà phố cần lưu ý gì?

Có rất nhiều phong cách thiết kế mà bạn có thể lựa chọn để tạo nên một tầng tum đẹp. Tuy nhiên, dù thiết kế và bài trí theo phong cách nào thì gia chủ vẫn nên tuân thủ những nguyên tắc nhất định để đảm bảo sự thuận tiện, thoải mái trong quá trình sử dụng không gian này. Theo đó, cần lưu ý một số vấn đề sau đây khi thiết kế tầng tum:

Thiết kế sao cho đón được nhiều ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt nhất

Dù là tầng tum hay các tầng dưới; bạn cũng nên thiết kế sao cho có thể tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với kiến trúc nhà ở nói chung; nhất là nhà phố, nhà ống vốn chật hẹp.

Ánh sáng tự nhiên không chỉ tốt cho sức khỏe của người cư ngụ; tạo cảm giác không gian sống như thoáng rộng hơn so với thực tế; mà còn giúp gia chủ tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện năng thắp sáng. Mặt khác, nếu sử dụng tầng tum làm phòng thờ thì ánh sáng tự nhiên là yếu tố không thể thiếu để tạo nên phong thủy tốt.

Để đón sáng tự nhiên nhiều nhất cho tầng tum; bạn nên sử dụng cửa kính trong suốt hoặc bố trí nhiều cửa sổ mở ra ngoài sân thượng. Với hệ cửa bố trí hợp lý, không gian trên tầng tum luôn thoáng đãng; thông gió tốt và đón được nhiều vượng khí.

Sử dụng nội thất tối giản, đa năng

Tầng tum vốn không được rộng rãi như các tầng dưới; do đó bạn nên ưu tiên chọn phong cách thiết kế tối giản, tiết chế tối đa đồ đạc; nhằm tạo sự thông thoáng, gọn gàng cho căn phòng ở đây. Về bảng màu, nên chọn tông trung tính chủ đạo; như xám, trắng, be, nâu gỗ kết hợp hài hòa. Căn phòng nhờ đó sẽ trở nên rộng rãi, hấp dẫn hơn về mặt thị giác.

Trang trí tầng tum đơn giản, có điểm nhấn

Với không gian trên tầng tum, các chuyên gia thiết kế khuyến nghị gia chủ lấy đồ nội thất làm điểm nhấn chính. Đó có thể là mẫu giường độc đáo, bộ bàn ghế xinh yêu, ghế bành thư giãn; hoặc tranh tường nghệ thuật. Tuy nhiên, nên hạn chế tranh nghệ thuật cỡ lớn; chỉ nên sử dụng 1-2 bức kích thước hài hòa với diện tích phòng, tạo điểm nhấn hút mắt.

Có giải pháp chống nóng, cách nhiệt tốt

Là tầng trên cùng của ngôi nhà nên tum sẽ chịu tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời nhiều nhất. Do đó, ngoài việc sử dụng máy điều hòa, các thiết bị làm mát khác; trồng cây xanh, bạn cần có giải pháp chống nóng; cách nhiệt tốt cho tầng tum ngay từ khâu thiết kế, thi công xây dựng.

Chống nóng cho tầng tum bằng trần và tường thạch cao:

Cả trần chìm lẫn trần nổi đều có thể áp dụng giải pháp cách nhiệt phổ biến nhất này. Để có thể đạt hiệu quả cao hơn, trong khi thi công trần thạch cao nên dùng thêm một lớp bông thủy tinh. Kết hợp cùng đèn chùm, đèn LED trang trí, trần thạch cao; còn giúp tăng tính thẩm mỹ cho căn phòng.

Tường thạch cao chống nóng cũng nên được bố trí trên tầng tum nhà phố; nhất là ở mặt tường hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam. Nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy, khi kết hợp trần thạch cao với tường thạch cao chống nóng; sẽ giúp nhiệt độ bên trong nhà thấp hơn bên ngoài từ 20-30%.

Chống nóng bằng tôn cách nhiệt, sơn cách nhiệt:

Nếu gia chủ chọn vật liệu tôn cho phần mái tum thì nên chọn tôn cách nhiệt chất lượng; để chống nóng hiệu quả. Không chỉ có tác dụng chống nóng; tôn cách nhiệt còn có khả năng cách âm, chống ồn, chống cháy rất tốt.

Ngoài tôn cách nhiệt, bạn có thể sử dụng thêm sơn cách nhiệt cho tầng tum. Sự kết hợp giữa trần, tường thạch cao với tôn cách nhiệt, sơn cách nhiệt; sẽ mang lại cho tầng tum bầu không khí thoáng mát, dễ chịu hơn trong những ngày hè nắng nóng, oi bức.

Chống nóng bằng ngói dán lên mái bê tông:

Để chống nóng, cách nhiệt cho tầng tum bằng ngói xếp truyền thống; hoặc các loại ngói phủ gốm thông thường; gia chủ cần đổ bê tông mái dùng li tô để dán ngói. Trường hợp chiều cao tầng tum không cho phép đóng thêm trần gỗ; bạn có thể ốp gỗ trực tiếp vào mái bê tông để chống nóng hiệu quả.

Chống thấm cho tầng tum

Tầng tum là tầng trên cùng của ngôi nhà; nên chịu tác động trực tiếp của điều kiện thời tiết, môi trường nhiều nhất. Tầng tum bị thấm dột không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày; ảnh hưởng tới kết cấu công trình; gây mất thẩm mỹ tổng thể mà về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe của các thành viên gia đìn;h bởi thấm dột luôn đi kèm với ẩm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển.

Vì thế, ngoài chống nóng, gia chủ cũng nên lưu ý các biện pháp chống thấm hiệu quả. Tương tự như chống nóng, việc chống thấm cần được tính toán cẩn thận ngay từ khâu thiết kế, thi công tầng tum. Có nhiều giải pháp chống thấm cho nhà ở, nhất là tầng tum, tầng áp mái như:

  • Chống thấm bằng màng khò nóng
  • Sử dụng sơn chống thấm
  • Chống thấm bằng nhựa đường
  • Sử dụng hóa chất chống thấm
  • Sử dụng keo chống thấm
  • Sử dụng phụ gia chống thấm
  • Trộn vữa chống thấm

Với những thông tin tổng quan về tầng tum là gì; chức năng của tầng tum; cách thiết kế tầng tum như thế nào cho hiệu quả; bạn đọc sẽ có thêm ý tưởng bài trí khu vực này thành không gian thật hữu ích; đảm bảo về tính thẩm mỹ, độ an toàn và cả yếu tố phong thủy. Để tìm hiểu thêm về kiến thức, kinh nghiệm thiết kế, xây dựng nhà ở, bạn có thể tham khảo tại đây.

Nguồn: dothi.net